Xưa tôi có biết tên một cuốn sách có tên là Đường Xưa Mây Trắng rất nổi tiếng của một Thiền Sư. Tôi chưa đọc nó bao giờ, nhưng khi băng qua những cánh đồng buổi sớm tinh mơ, mắt hướng về phía những rặng núi phủ đầy sương. Tự nhiên trong đầu lại bật lên mấy từ : Đường Xưa Mây Trắng”.
Tự nhiên nó bật lên vậy thôi vì cũng thấy có con đường và rặng núi phủ mây trắng xóa, nhưng có điều nó không phải là đường xưa, tôi thích gọi là Đường Xa Mây Trắng.
Viết đến đây đọc nghe nó lãng mạn, thiêng liêng ghê gớm, nghe cứ như kiểu nghệ sĩ đi thưởng ngoạn ấy. Thực ra mấy thằng chúng tôi …đang đi bắt Lươn các Bạn ạ. Con đường đó là…đường ruộng, có mây trắng phủ che những rặng núi, bay lãng đãng. Cũng đẹp.
Có một điều rất hay đó là Con Lươn mà chúng tôi lùng sục khắp các cánh đồng có tên là Lươn Đông Dương – Malaysia, nó vô tình trùng một chút vào tên Đông Dương Mart của tôi. Nó là loại Lươn sống tại các đầm lầy, ruộng lúa, nó là loại lươn ăn sạch, và quan trọng nhất là thịt ngon nhất trong họ Lươn. ( Danh pháp khoa học Monopterus albus). Loài này là loài quý nhất trong họ Lươn. Ở Nghệ An chúng tôi(quê gốc của tôi) nổi tiếng với món Cháo Lươn Xứ Nghệ. Khi xưa (phải 2 chục năm đổ về trước) cứ quán cháo lươn nào nổi tiếng nhất, ngon nhất thì chắc chắn họ dùng loại Lươn Này, chỉ các quán làng nhàng và không có khách quen mới dùng Lươn Nuôi. Nhưng dù sao thì đó cũng là chuyện của khi xưa, giờ thì…hiếm có, mà cho dù có thì làm cũng không đủ, và không có đều được.
Đã là hiếm vậy rồi nhưng khi đi bắt, tôi cứ luôn rủ anh em hướng đến những vùng gần núi, may được cái cả đoàn anh em cũng hợp tính nhau, cũng thích cái gì đó nó đẹp đẹp (trong mắt của chúng tôi), có cánh đồng xanh, có rặng núi, có mây trắng bay…

…”Xuống nước đi đi Chú Hải” – Đó là câu mà cái ngày đầu tiên chúng tôi đi đánh, anh Vương(người ngồi giữa trong ảnh) đứng ở dưới dòng suối nói ngược lên với tôi . Ở vùng chúng tôi đi đánh, có suối chảy từ phía núi cao xuống, nước sạch và trong vắt. Vì hồi đó là cái ngày đầu tiên đi với nhau nên tôi cũng không hiểu tại sao lại gọi tôi xuống nước đi ngược dòng lên hướng núi làm gì? Vừa nhảy xuống nước một phát xong đi ngược lên mấy bước thì anh ấy cười ha há hỏi “Có sướng không?”
– Sướng, công nhận sướng thật! Tôi đáp. Cái cảm giác nước trong vắt, mát lạnh, xong lại lội ngược dòng nước mới “quái dị” chứ, đường trên bờ ruộng thì không đi lại xuống suối để lội ngược dòng nước, nhưng không hiểu sao nó mang lại một cảm giác đã đời khó tả, như cái hồi còn là trẻ con thích đi nghịch nước. Chúng tôi cứ thế lội nước đi ngược dòng lên đến chân núi, nước ngập lên đến bụng. Ai cũng mặc một bộ Ủng cao (Loại Ủng phủ từ chân lên đến gần vai), nước không ngập được hết ủng nên hôm nào trời hơi lạnh vẫn cứ nhảy xuống nước đi như thường (vì có bộ ủng che chắn) Như đã thành thói quen.
Bữa cơm của Chị Tuyến (Vợ Anh Vương)
Đường xa mây trắng, và khi về nhà, có lẽ với những người như anh Vương, Anh Phú, hay anh Toàn… Ánh lửa hồng, khói bếp như thế này có lẽ là định nghĩa rõ ràng nhất của “Bình Yên”.
Đến đây thôi.
Minh Hải – Đông Dương